Nếu bạn đang tìm kiếm một chốn tâm linh an yên và thanh tĩnh giữa lòng Sài Gòn thì Chùa Bà Thiên Hậu là điểm đến vô cùng lý tưởng. Không chỉ thu hút du khách trong nước, ngôi chùa còn được nhiều du khách quốc tế lui tới khám phá.
1. Chùa Bà Thiên Hậu TPHCM ở đâu?
- Địa chỉ: số 710 đường Nguyễn Trãi, Quận 5, TP. HCM
- Xem chi tiết đường đi tại đây
Chùa Bà Thiên Hậu nằm trong khu trung tâm Chợ Lớn, tại số 710 đường Nguyễn Trãi, Quận 5, TP. HCM. Đây được xem là khu phố người Hoa nổi tiếng bậc nhất Sài Thành. Chưa kể, bên cạnh chùa là Hội quán Tuệ Thành – nơi mà người Hoa ở Quảng Đông, Trung Quốc tập trung rất đông.
Ảnh: Sưu tầm
Chùa Bà Thiên Hậu được coi là ngôi chùa cổ nhất của người Hoa tại Việt Nam, với niên đại khoảng 256 năm. Được xây dựng từ năm 1760 và trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, chùa vẫn giữ được những dấu ấn kiến trúc độc đáo cũng như mang tầm ảnh hưởng rất lớn với đời sống văn hóa của người Hoa đang sinh sống tại địa phương.
2. Sự tích về chùa bà Thiên Hậu quận 5
Chiều dài lịch sử hàng ngàn năm mang theo câu chuyện về những người Hoa đầu tiên rời khỏi quê hương mình tới nước Việt để lập nghiệp. Theo họ, không chỉ là tư trang mà còn là những đặc trưng rõ rệt của nền văn hóa phương Bắc, trong đó đặc sắc nhất là tín ngưỡng thờ phụng thần linh.
Được xây dựng từ thế kỉ XVII, Chùa Bà Thiên Hậu là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (dân gian gọi là Bà Thiên Hậu). Vậy Thiên Hậu Thánh Mẫu là ai? Tại sao trải qua hàng trăm năm, người dân Trung Hoa vẫn luôn sùng bái người đó.
Ảnh: @avdwineandfood
Bà Thiên Hậu có tên thật là Lâm Mặc Nương, người Mi Châu, Phúc Kiến. Đây là một nhân vật có thật vào đời nhà Tống tại Trung Quốc. Truyền thuyết kể rằng, không giống như những đứa trẻ khác sau 9 tháng 10 ngày sẽ chào đời, Bà Thiên Hậu lại được mẹ sinh ra vào tháng thứ 14. Càng lớn Lâm Mặc Nương càng bộc lộ những khả năng đặc biệt trong lĩnh vực thiên văn khi thường xuyên nhìn sao trời, đoán thời tiết, giúp đỡ dân chúng ngư phủ trong vùng.
Chuyện lạ chưa dừng lại ở đó, trong một lần, người cha và hai anh trai của bà chở muối đi bán tỉnh Giang Tây, giữa đường thuyền lâm bão lớn. Lúc ấy, Lâm Mặc Nương đang cùng mẹ dệt vải và trong lúc ngủ đã xuất thần để đi cứu cha và hai anh.
Bà dùng răng cắn được chéo áo của cha, hai tay nắm hai anh. Giữa lúc đó mẹ gọi bà thức giấc, bà vừa hở môi trả lời thì sóng cuốn cha đi nên chỉ cứu được hai anh. Kể từ khi đó, chuyện lạ về khả năng màu nhiệm Lâm Mặc Nương ngày một loan xa, và bà trở thành vị nữ thần được ngư dân tôn sùng. Họ thường xuyên khấn vái bà trong những lúc tàu thuyền gặp nguy nan.
3. Thời điểm thích hợp để ghé thăm Chùa Bà Thiên Hậu
Chùa Bà Thiên Hậu mở cửa gần như mọi ngày trong năm. Vì thế, bạn có thể ghé đây thư giãn, tĩnh tâm bất cứ khi nào. Thông thường, chùa mở cửa từ 6h30 và đóng cửa vào 16h30, các bạn tới tham quan và khám phá nên chú ý phần này để chủ động lịch trình của mình nhé!
Ảnh: Sưu tầm
Ngoài ra, vào ngày 22 – 24/3 âm lịch sẽ là lễ vía Bà Thiên Hậu – lễ hội lớn nhất hằng năm của chùa Bà. Vào những ngày nay, người dân sẽ tới chùa và cúng lễ rất đông. Bên cạnh những nghi thức truyền thống, du khách còn được chứng kiến cảnh người dân rước kiệu Bà Thiên Mẫu đi xung quanh chùa. Đồng thời, một số các hoạt động khác như: múa lân sư rồng, biểu diễn nghệ thuật cũng được tổ chức tạo nên không khí vô cùng sôi động và náo nhiệt.
- Halo gợi ý: Tham quan chùa Vĩnh Nghiêm nổi tiếng linh thiêng Sài Gòn
4. Chùa Bà Thiên Hậu – Phong cách kiến trúc đậm chất Trung Hoa
Chùa Bà Thiên Hậu ở quận 5 được xây dựng theo phong cách Á Đông thuần khiết. Từ lối kiến trúc tam quan, phần mái cách điệu, vách tường có phù điêu bằng gốm nung và hai hành lang hai bên. Tất cả đều gợi nên những giá trị lâu đời và phồn vinh của văn hóa Trung Hoa.
Ảnh: @goccuabi
Suốt chiều dọc của ngôi chùa là phần kiến trúc chính, cũng là nơi dành cho các hoạt động tín ngưỡng. Khu vực khoảng trống ở giữa tạo thành một giếng trời để lấy ánh sáng cũng như tạo sự thoáng khí để hương theo đó mà bay lên cao. Lối đi hai bên được phân cách rõ ràng, để khách ghé chùa dễ dàng di chuyển, tham quan.
Ảnh: Sưu tầm
Bước chân qua cánh cổng nhỏ, du khách sẽ lạc vào chốn huyền bí vừa thân thuộc, vừa mang nét bí ẩn. Chùa Thiên Hậu gồm 3 tòa là Tiền Điện, Hậu Điện và Trung Điện, mỗi tòa đều có những nét đặc trưng riêng:
Khu Tiền Điện
Đây là nơi đặt bàn thờ Phúc Đức Chánh thần và Môn Quan Vương Tả. Tại đây cũng có các bia đá khắc truyền thuyết cũng như các bức tranh về Thiên Hậu Thánh Mẫu hiển linh trên sóng nước.
Ảnh: Sưu tầm
Khu Trung Điện
Là nơi đặt bộ lư “Phát Lan” từ thời vua Quang Tự. Bộ lư gồm 5 món, được điêu khắc tỉ mỉ và tinh xảo với hai bên là chiếc thuyền rồng cổ chạm hình nhân và chiếc kiệu cổ sơn son thếp vàng xa hoa dùng để rước Bà vào ngày vía Bà.
Khu hậu Điện
Hậu điện gồm có 3 gian, gian giữa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, Kim Hoa Nương Nương và Long Mẫu Nương Nương. Hai gian phụ đặt các tượng thờ Quan Thánh, Địa Tạng và Thần Tài. Tại đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng pho tượng Bà thiên Hậu được tạc từ gỗ cổ nguyên khối được khoác áo thêu lộng lẫy vô cùng.
Xem thêm:
- 6 ngôi chùa đẹp NỔI TIẾNG Sài Gòn
5. Chùa Bà Thiên Hậu quận 5 có thiêng không
Bên cạnh bề dày lịch sử và kiến trúc mang đậm bản sắc Á Đông, Chùa Bà Thiên Hậu còn sở hữu vô số điều hấp dẫn. Còn chờ đợi gì nữa, cùng Halo khám phá tất tần tật ngôi chùa này ngay thôi bạn ơi!
Nơi cầu nguyện và xin xăm linh thiêng
Chùa Bà Thiên Hậu nổi tiếng linh thiêng khắp quận 5 cũng như Sài Gòn. Chính vì thế, vào mỗi dịp lễ Tết hoặc các ngày rằm mùng 1 hàng tháng, Chùa lại tấp nập người đến để cầu mong những điều tốt đẹp về công danh, tài lộc, tình duyên.
Ảnh: Linh Ta
Đặc biệt, giới trẻ còn truyền tai nhau việc xin xăm Chùa Bà Thiên Hậu. Đây là một hình thức tín ngưỡng như cách xin quẻ để đoán biết được các vấn đề trong tương lai. Giúp người xin chủ động hơn khi gặp khúc mắc và tận hưởng những điều tốt đẹp nhất.
Những bó nhang cuộn tròn xoắn ốc treo lơ lửng
Chùa Bà Thiên Hậu quận 5 gây ấn tượng với du khách bởi lối trang trí độc đáo và tinh tế. Bên cạnh những lư hương truyền thống, chùa còn treo “lơ lửng” những bó nhang cuộn tròn xoắn ốc làm tăng thêm sự hoài cổ và huyền bí của nơi đây.
Ảnh: @quocclammday
Tọa độ chụp ảnh hoài cổ lý tưởng
Mỗi góc của Chùa Bà Thiên Hậu đều mang những nét đẹp riêng. Cứ thế “thôi miên” và níu chân du khách. Điển hình nhất phải kể đến bức tường sớ màu hồng bắt mắt, khu hàng rào xanh vững chãi và hai bức tường gạch tựa các ngõ nhỏ Trung Hoa.
Ảnh: Lê Thị Huyền Anh
Ngoài ra, nếu bạn đang tìm một địa điểm chụp ảnh cưới mang hơi hướng “cổ đại” như phim Trung Hoa, thì Chùa Bà Thiên Hậu chắc chắn là lựa chọn cực kì lý tưởng đấy nhé!
Ảnh: @nammymikami
6. Lưu ý khi ghé thăm Chùa Bà Thiên Hậu
Chùa là chốn linh thiêng nên dù là tới tham quan hay khám phá, bạn cũng nên nắm rõ một số lưu ý sau:
- Giữ cho tâm tịnh, ý sáng. Y phục trang nghiêm, chỉnh tề.
- Đồ thắp hương và lễ vật có thể mua tại cổng Chùa. Bạn có thể tự chuẩn bị đồ hoặc nhờ người sắp lễ sẵn
- Vào những ngày rằm, lễ Tết, chùa thu hút rất đông khách thập phương. Nếu đi tới chùa trong thời điểm này cần lưu ý bảo quản tư trang cẩn thận
- Không tự ý chụp ảnh trong các khuôn viên có quy định cấm tại Chùa.
Halo hy vọng những chia sẻ trên đã mang tới thêm cho bạn nhiều thông tin hữu ích về Chùa Bà Thiên Hậu. Hãy thử một lần đặt chân đến chốn thanh tịnh giữa lòng Sài Gòn này và cảm nhận những đặc trưng đậm đà bản sắc Trung Hoa.
Xem thêm những ngôi chùa khác ở Sài Gòn:
- Tu viện Khánh An – “Nhật Bản thu nhỏ” ở Sài Gòn
- Tham quan Chùa Ngọc Hoàng: ngôi chùa linh thiêng ở Sài Gòn