Các “chảo lửa” Bernabeu, Nou Camp hay Old Trafford… đều được giới hâm mộ bóng đá biết đến bởi đây là đại bản doanh của các CLB top đầu thế giới như Real Madrid, Barcelona và Manchester United.
Sân vận động Santiago Bernabeu khánh thành từ năm 1947, thuộc sở hữu của CLB Real Madrid với 99.454 chỗ ngồi. Sân nhà của CLB Real Madrid (Tây Ban Nha) toạ lạc tại Avenida Concha EspinaI có những kết cấu hiện đại như mái vòm làm bằng sợi ciment, bên dưới mặt cỏ là 36km đường ống với những van phun nước nóng lạnh tuỳ theo vùng.
Mới đây, trong dịp đại dịch Covid-19, sân vận động này đã được tranh thủ cải tạo nâng cấp với tổng diện tích 12.250m2, bao gồm một số tổ hợp kinh doanh như trung tâm mua sắm và khách sạn.
Hình ảnh sân nhà của CLB Real Madrid sau khi sửa chữa. Về tổng thể nhìn sơ qua không có nhiều khác biệt so với trước đó, tuy nhiên ở mặt tiền và phần mái che có sự thay đổi rõ rệt. Bên trong, toàn bộ ghế nhựa cũ được thay và xây dựng thêm mái che. Riêng chỗ ngồi vẫn được giữ nguyên. Tổng chi phí cho đợt nâng cấp mới là 400 triệu USD.
Sân vận động Nou Camp (tiếng Catalan thường gọi là Camp Nou) của CLB bóng đá Barcelona (Tây Ban Nha) được xây dựng từ năm 1957. Các khán đài bên trong được sơn hai màu chính là tím và xanh với dòng chữ Mes que un Club. Sức chứa vào lúc khai trương là 93.053 chỗ ngồi, giảm khoảng 50.000 chỗ so với dự kiến ban đầu.
Hàng ngày, sân Nou Camp luôn mở cửa phục vụ các đoàn du khách quốc tế vào tham quan (trừ những ngày diễn ra trận đấu). Giờ đón khách tuỳ vào từng mùa; mùa đông từ 10h đến 18h30 chiều (riêng chủ nhật chỉ mở đến 14h30), mùa hè từ 9h30 đến 17h30.
Trở thành ngôi nhà thay thế cho sân vận động cũ kỹ Bank Street ở Clayton, sân vận động Old Trafford được thiết kế bởi kiến trúc sư người Scotland Archibald Leitch, hoàn tất vào năm 1910 với tổng kinh phí xây dựng 60.000 bảng. Sân có sức chứa 75.635 người, là sân vận động bóng đá lớn thứ 2 ở Vương quốc Anh sau sân Wembley, và xếp thứ 9 ở châu Âu.
Thiết kế ban đầu ở đây bao gồm một khán đài ngồi có mái che và ba mặt khán đài đứng lộ thiên. Ba mặt lộ thiên này sau đó đều được lắp đặt thêm mái bằng, với những hàng cột chống đỡ bên dưới. Trong bài viết về lễ khánh thành Old Trafford, một ký giả của tờ Sporting Chronicle đã cảm thán: “Đó là một cầu trường rộng rãi, diễm kiều, và phi thường bậc nhất… Một sân bóng không đối thủ trên khắp hoàn cầu, một niềm vinh dự cho thành Manchester”.
Sân vận động Etihad có hình chiếc bát với 2 tầng xung quanh và tầng thứ 3 nằm phía trên tầng thứ 2 theo một cách rất riêng biệt. Sân nhà của CLB Manchester City từng nhận được nhiều lời khen và giải thưởng về thiết kế độc đáo. Ban đầu sân được xây nhằm chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa hè 2000 nhưng Anh không được đăng cai tổ chức. Sân được xây vào năm 2002 với kinh phí 110 triệu bảng Anh để phục vụ giải thể thao Khối Thịnh vượng chung. Sau giải đấu, sân được sử dụng cho bóng đá, và trở thành sân nhà của Manchester City, đội chuyển từ sang từ sân Maine Road vào năm 2003, ký một bản hợp đồng cho thuê có thời hạn 250 năm.
Sân nhà của CLB Bolton Wanderers với sức chứa 28,723 khán giả (nằm ở thành phố Bolton, Vương quốc Anh) có tên mới là Reebok từ năm 1997 thay thế cho tên cũ là Burnden Park.
Bolton Wanderers từng chơi trên sân nhà Burnden Park trong hơn 100 năm. Nơi này đã chứng kiến một thảm họa của bóng đá Anh khi 33 CĐV bị dẫm chết và 400 người khác bị thương trong một trận đấu ở cúp FA năm 1946.
Sân vận động Louis II khánh thành vào năm 1939 với tư cách là sân nhà của AS Monaco (thuộc Công quốc Monaco). Sân hiện tại có sức chứa 16.360 chỗ ngồi và được đặt theo tên của Thân vương Monaco. Phần lớn cơ sở vật chất của công trình này nằm dưới lòng đất, bao gồm trung tâm thể thao đa năng Gaston-Medecin, trung tâm thủy sinh Thân vương Albert II và một bãi đỗ xe lớn ngay dưới sân.