Cuối tháng tư, đầu tháng năm là thời điểm Sơn Trà (Đà Nẵng) vào mùa “thay áo”, với hàng nghìn loài cây trổ lộc non đủ màu xanh, vàng, đỏ cả một góc rừng. Nhiều du khách đã chọn trải nghiệm bay dù lượn để ngắm khung cảnh tuyệt đẹp này.
Khi chiếc dù rời khỏi bãi đáp, vút bay lên không trung, góc rừng Sơn Trà đang “thay áo” với đủ màu rực rỡ dần hiện ra trước tầm mắt của Thùy Giang (du khách Hà Nội) Cảm giác lo lắng, bủn rủn vì độ cao ban đầu của cô được thay bằng sự phấn khích, hạnh phúc đến vỡ òa. “Mình từng đi bộ xuyên rừng nhưng cảm giác ngắm nhìn cánh rừng từ trên cao thật khác lạ và tuyệt vời. Khoảnh khắc chiêm ngưỡng cánh rừng thay lá, xanh đỏ vàng đan xen đẹp mắt, những bãi biển xanh thăm thẳm và thành phố Đà Nẵng hiện đại trong tầm mắt sẽ khó có thể nào quên”, Giang chia sẻ (Ảnh: Hoàng Huy)
Thùy Giang trầm trồ khi chiếc dù dần lượn về phía biển, nơi cô ngắm trọn vẻ đẹp của biển Thọ Quang, những bãi cát trắng trải dài, ôm lấy dãy núi Sơn Trà. Nữ du khách ấp ủ dự định quay trở lại để trải nghiệm dù lượn trong chiều hoàng hôn tại Đà Nẵng (Ảnh: NVCC)
Thời điểm cuối tháng tư, đầu tháng năm, nhất là trong kì nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 – 01/5, nhiều du khách khi tới Đà Nẵng đã tìm đặt trải nghiệm thể thao mạo hiểm bay dù lượn, để chiêm ngưỡng bán đảo Sơn Trà mùa “thay áo”, với hàng nghìn loài cây trổ lộc non đủ màu xanh, vàng, đỏ cả một góc rừng hay những bãi biển bao la, tuyệt đẹp từ trên cao. Chi phí cho trải nghiệm này vào khoảng 1,5 triệu đồng/khách và thời gian bay tầm 15-20 phút tùy điều kiện thời tiết (Ảnh: Hồng Huy)
Theo phi công Lê Phước Bình, đây là thời điểm lý tưởng để bay dù lượn tại Đà Nẵng. Từ trên cao, du khách có thể ngắm nhìn thảm thực vật đa dạng, phong phú của bán đảo Sơn Trà – khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, “lá phổi xanh” của thành phố. Bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc. Nơi đây có diện tích hơn 4.400 ha, dài 13 km với chu vi khoảng 60 km, độ cao trung bình 350 m, cao nhất là đỉnh Ốc gần 700 m. Với ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị, Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam. Cuối tháng tư, đầu tháng năm, từng vạt rừng đua nhau khoe sắc: phượng dây đỏ thắm, hoa sim tím ngắt, những cánh rừng Thàn Mát (sưa trắng), Chò cổ thụ đồng loạt thay màu lá… (Ảnh: Hồng Huy)
Những phi công bay đôi phục vụ khách trải nghiệm đều là phi công đã có kinh nghiệm hàng trăm giờ bay, được đào tạo chuyên nghiệp và có chứng chỉ uy tín. “Trung bình mỗi ngày, một phi công có thể bay 5-6 chuyến. Du khách thường đặt lịch trước với CLB bay dù lượn Sơn Trà để đảm bảo không phải chờ đợi quá lâu”, phi công Lê Phước Bình cho biết (Ảnh: Phước Bình)
Trong kì nghỉ 30/4 này, CLB Dù lượn Sơn Trà phối hợp cùng Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà – Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cùng tổ chức giải “Bay trên biển bạc 2023 mở rộng”, thu hút trên 50 vận động viên tham gia thi đấu, có cả những phi công đến từ nước ngoài như Singapore, Hàn Quốc… Nhiều người dân và du khách thích thú ngắm nhìn dù lượn bay lượn trên bãi biển (Ảnh: Hồng Huy)
Phi công Huân Tưởng – Chủ nhiệm CLB Dù lượn Sơn Trà cho biết, rất đông du khách đặt tour trải nghiệm bay dù lượn. Tuy nhiên, đây là môn thể thao ngoài trời chịu ảnh hưởng nhiều từ các yếu tố thời tiết nên đội phi công chưa đáp ứng được hết nhu cầu du khách (Ảnh: Hồng Huy)
Trên hành trình bay, du khách có thể ngắm nhìn nhiều công trình nổi tiếng của thành phố như tượng Bồ Tát Quan Thế Âm ở Chùa Linh Ứng, quang cảnh chùa Bửu Đài Sơn… (Ảnh: Hồng Huy)
Nhiều du khách quốc tế cũng thích thú với trải nghiệm bay dù lượn (Ảnh: Phước Bình)
Khung giờ đẹp nhất để ngắm Sơn Trà bằng dù lượn là khi bình minh hoặc hoàng hôn – thời khắc chuyển giao giữa ngày và đêm, sáng và tối. “Đây là địa điểm giao thoa giữa núi rừng và biển cả, hiếm nơi nào có được”, anh Huân cho hay. Trong ảnh, anh Huân đang bày Paramotor (dù lượn có động cơ). Hiện hình thức này chỉ bay để đào tạo học viên, phục vụ trình diễn lễ hội, chưa bay phục vụ du khách trải nghiệm