Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng bởi cảnh đẹp cùng truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời. Ngoài những địa điểm thu hút số lượng lớn khách du lịch, có một số nơi bí ẩn đến mức dù tò mò nhưng không phải vị khách nào cũng dám ghé thăm.
Rừng Aokigahara
Tọa lạc ở phía Tây Bắc núi Phú Sĩ, thuộc tỉnh Yamanashi, rừng Aokigahashia có diện tích lên tới 30 km², đây là một trong những khu rừng nổi tiếng nhất Nhật Bản và đã có hẳn 1 bộ phim về nơi này.
Có nhiều câu chuyện bí ẩn và có phần đáng sợ xung quanh địa điểm này. CNN hay The Japan Times đặc biệt gọi Aokigahara với cái tên là “khu rừng tự sát” bởi nó được xem là địa điểm tự sát phổ biến thứ hai thế giới.
Những cái chết đầu tiên tại khu rừng này xuất phát từ một hủ tục xưa kia của Nhật Bản gọi là “ubasute”.
Vào thời kỳ phong kiến, khi nạn đói kém hoành hành, người ta sẽ mang người già vào rừng và bỏ mặc cho đến chết. Từ đó, lời đồn thổi về linh hồn của những người đã khuất không thể siêu thoát, ám vào cây, lại nổi lên. Văn hóa dân gian Nhật Bản gọi những linh hồn đó là “yurei”, quanh quẩn bên gốc cây. Thậm chí, người đi bộ qua rừng từng mô tả nghe thấy tiếng khóc lóc, khiến nơi này càng thêm bí ẩn hơn.
Kể từ đầu những năm 1970, hàng năm luôn có một đội tìm kiếm nhỏ gồm cảnh sát, tình nguyện viên và các nhà báo lùng sục khắp nơi trong rừng để tìm kiếm thi thể. Họ gần như không bao giờ trở về tay trắng.
Những năm gần đây, thậm chí số lượng thi thể tăng lên đáng kể. Kỷ lục cao nhất vào năm 2004 khi 108 thi thể ở trạng thái phân hủy khác nhau được tìm thấy. Năm 2010, 247 người cố gắng tự sát trong rừng, nhưng chỉ có 54 người quay về cuộc sống. Thời điểm nhiều người tìm tới cái chết nhất diễn ra vào tháng 3 – tháng cuối cùng của năm tài chính tại Nhật.
Ngày nay, chính quyền địa phương đã thành lập đội tuần tra thường xuyên dò tìm quanh khu vực với hi vọng sẽ đưa ra lời khuyên nhủ để người có ý định tự sát quay lại cuộc sống.
Theo số liệu thống kê của chính quyền địa phương, ước tính mỗi năm có tới 100 người tới đây để kết liễu cuộc đời trong khu rừng này.
Bên trong những nơi hẻo lánh nhất được đặt nhiều biển cảnh báo với dòng chữ: “Cuộc sống này là món quà quý giá cha mẹ dành tặng cho bạn”, kèm theo đường dây nóng hỗ trợ.
Ngôi trường tròn ở đảo Hokkaido
Nằm ở vùng cực bắc lạnh giá tại hòn đảo Hokkaido, ngôi trường tròn nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ và phong cảnh đẹp như tranh vẽ. Tuy nhiên, ẩn sau những khung cảnh tươi đẹp ấy là tàn tích bí ẩn còn sót lại của một ngôi trường cũ gây ám ảnh và xuất hiện nhiều điều kỳ lạ nhất Nhật Bản.
Được biết, ngôi trường này được xây từ năm 1906. Từ năm 1940 đến 1970, người ta dùng nó làm trường tiểu học nhưng sau đấy, ngôi trường bị đóng cửa không rõ lý do.
Những lời đồn và các câu chuyện cũng bắt đầu xuất hiện. Người dân địa phương kể rằng, họ nghe thấy những âm thanh lạ kỳ ở khu rừng lân cận, ánh sáng ẩn hiện khi đêm xuống, những bóng mờ lẩn khuất, những tiếng thét thất thanh đến hàng loạt tiếng động bất thường, không rõ ràng khác.Bên cạnh đó, còn có lời đồn rằng một số đứa trẻ đã vào rừng chơi và không bao giờ trở lại.
Những lời đồn đại liên quan tới ma quỷ đã khiến không ít người khiếp sợ, thậm chí không dám lại gần ngôi trường tròn. Tuy nhiên, cây bút Brent Swancer từ Mysterious Universe cho rằng, hầu hết những câu chuyện liên quan đến ngôi trường tròn đều là sản phẩm thêu dệt, tính xác thực không cao, tuy nhiên, vẫn có một số câu chuyện khiến ông cảm thấy thú vị, tò mò.
Dinh thự Himuro
Nằm ở ngoại ô Tokyo, dinh thự Himuro là một trong những địa điểm đáng sợ nhất khi đến thăm ở Nhật Bản. Địa điểm này từng là nơi diễn ra một vụ giết người ghê rợn nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Theo truyền thuyết địa phương, 7 người sống trong dinh thự này đã thực hiện nghi lễ kỳ lạ. Sau đó, chủ nhân của ngôi nhà đã giết mọi người trong gia đình rồi tự sát.
Mọi người nói rằng, linh hồn của các thành viên trong gia đình đã ám ngôi nhà và họ cố gắng thu hút những người qua đường để hoàn thành nghi lễ không trọn vẹn.
Đảo Hashima
Đảo Hashima (Nagasaki, Nhật Bản) còn có tên khác là đảo Gunkanjima, trong tiếng Anh gọi là đảo tàu chiến. Hòn đảo với những vết tích đổ nát, ngày nay không một bóng người ở. Những ký ức đau thương từng diễn ra tại đây và sự u ám hiện tại khiến hòn đảo mang danh là đảo địa ngục.
Hashima từng là mỏ khai thác than sầm uất hoạt động từ cuối thế kỷ 19 và đóng cửa vào năm 1974. Hòn đảo này được coi là biểu tượng cho quá trình công nghiệp hóa của xứ sở hoa anh đào. Nơi đây cũng là điểm nóng lịch sử, đặc biệt trong thời kỳ Thế chiến 2.
Theo tờ Daily Mail, hòn đảo từng là cơ sở khai thác than sầm uất vào những năm Thế chiến thứ 2. Đồng thời đây cũng là nơi những người Trung Quốc, Triều Tiên cũ lao động nô dịch, làm việc tại các hầm, mỏ khai than cho nước Nhật.
Ngày nay, hòn đảo còn lưu lại tàn tích của những tòa cư xá cũ kỹ xây bằng bê tông, trước kia được phân thành khu ổ chuột cho người lao động.
Theo Star Insider, tòa chung cư đầu tiên trên đảo được xây dựng năm 1916. Năm 1958, Hashima có khoảng 5.259 người dân sinh sống. Tập đoàn Mitsubishi từng mua lại hòn đảo để tiếp tục hoạt động khai thác than. Tuy nhiên, dầu mỏ dần thay thế than ở Nhật trong những năm 1960, đó là nguyên nhân chính dẫn đến sự kết thúc những hoạt động của ngành công nghiệp khai thác than trên đảo. Đảo Hashima chính thức đóng cửa năm 1974.
Sau nhiều năm bỏ hoang, hòn đảo chính thức mở cửa cho khách du lịch tham quan vào năm 2009. Năm 2015, UNESCO quyết định công nhận Hashiama là Di sản Thế giới. Ngày nay, hòn đảo trở thành điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách quốc tế đến tìm hiểu, tham quan lại phế tích giàu giá trị lịch sử.
Tổng hợp