Không chỉ là một cơ sở nghiên cứu khoa học ra đời sớm nhất ở Việt Nam, Viện Hải dương học Nha Trang còn là một trong những địa điểm check-in “siêu nghệ” dành cho những người thích tìm hiểu về đại dương.
Viện Hải Dương học có địa chỉ tại số 1 Cầu Đá, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cách trung tâm thành phố 6 km. Sở dĩ Viện Hải dương học được xây dựng tại phố biển Nha Trang là bởi nơi đây cách hải phận quốc tế không xa và là nơi có bờ biển sâu nhất Việt Nam.
Thành lập năm 1922 với tên gọi ban đầu là Sở Hải dương học nghề cá Đông dương, đến nay Viện Hải dương học là cơ sở nghiên cứu và lưu trữ về biển hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, nằm trong hệ thống các viện nghiên cứu chuyên ngành của trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia Việt Nam. Hiện nay, Viện Hải dương học được tập trung đầu tư phát triển thành một quần thể phục vụ nghiên cứu, tham quan cũng như giáo dục về bảo vệ các loài sinh vật biển.
Viện Hải dương học nằm trên một khu đất cao gần cảng Cầu Đá với diện tích 20 hecta. Trong đó, bảo tàng Hải dương học nằm trong khuôn viên viện là địa điểm thu hút nhiều khách tới tham quan.
Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt bảo tàng lưu trữ sinh vật biển với hơn 5.000 loại sinh vật và trên 20.000 mẫu vật đã được gìn giữ từ nhiều năm. Bên cạnh đó, nơi đây còn có rất nhiều loài sinh vật biển đẹp, kỳ lạ và quý hiếm được nuôi và chăm sóc trong các bể kính.
Ảnh: Như Như Ý
Ngay khi bước vào khu bể kính của bảo tàng, du khách sẽ cảm thấy choáng ngợp trước không gian tràn ngập màu sắc và lạ mắt của vô vàn các loại cá, san hô…. tạo nên một thế giới sinh vật biển phong phú và sống động. Du khách có thể quan sát những hoạt động, thói quen, tập tính và tìm hiểu thông tin về từng loài một cách chi tiết.
Đây cũng là khu vực check-in tuyệt đẹp không thể bỏ qua khi đến với bảo tàng.
Ảnh: Như Như Ý
Bảo tàng cũng là nơi lưu giữ mẫu vật của hàng chục nghìn loài, đặc biệt nhất là những bộ xương hóa thạch khổng lồ. Trong đó có thể kể đến: Bộ xương của loài cá voi lưng gù, bộ xương cá Nạng Hải và bộ xương của loài cá bò biển đang có nguy cơ tuyệt chủng. Các mẫu sinh vật không chỉ đến từ đại dương Việt Nam mà còn đến từ vùng biển Campuchia, Thái Lan và các vùng nước lân cận. Bảo tàng Hải dương học được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận là “Nơi lưu trữ bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất” đất nước từ năm 2012.
Ảnh: Viện Hải Dương Học
Bảo tàng mở cửa từ 6h đến 18h các ngày trong tuần. Giá vé vào cửa là 40.000 đồng với người lớn, 20.000 đồng với sinh viên và 10.000 đồng với học sinh. Hiện nay tại bảo tàng còn có hoạt động để du khách giao lưu cùng thợ lặn vào thứ 4, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.
Viện Hải dương học không chỉ là điểm đến tham quan du lịch mà còn là địa điểm giáo dục cộng đồng về hệ sinh thái biển, về tầm quan trọng của biển trong môi trường sống ở Việt Nam.
Ảnh: Như Như Ý