Những tháng hè, du khách tới Mộc Châu có thể chiêm ngưỡng khung cảnh thu hoạch chè nhộn nhịp của bà con nông dân, công nhân nông trường.
Bất cứ thời điểm nào trong năm, Mộc Châu (Sơn La) vẫn luôn được bao bọc bởi sắc xanh đầy sức sống của những đồi chè. Hơn 60 năm “ươm mầm, bén rễ” trên mảnh đất cao nguyên, qua nhiều bước thăng trầm, cây chè không chỉ là đặc sản giúp bà con phát triển kinh tế mà còn thu hút du khách thập phương tới thưởng ngoạn, check-in, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Mộc Châu.
Du khách có thể rong ruổi trên chiếc xe máy, vượt những khúc cua tay áo vòng vèo để chạy từ đồi này sang thung kia, chiêm ngưỡng sự biến đổi diệu kì của cảnh quan thiên nhiên. Hương chè thơm thoang thoảng trong không khí.
Mộc Châu có 4 đồi chè đẹp nhất dành cho du khách muốn ghé thăm là đồi chè Tân Lập 1, 2, 3 và đồi chè trái tim. Mỗi địa điểm lại mang một vẻ đẹp riêng, thu hút những người đam mê nhiếp ảnh cùng khách du lịch tìm tới.
Những tháng hè, du khách tới Mộc Châu có thể chiêm ngưỡng khung cảnh thu hoạch chè nhộn nhịp của bà con nông dân, công nhân nông trường.
Trung tuần tháng 7, nhiếp ảnh gia Hoàng Dưỡng (Hà Nội) đến Mộc Châu để sáng tác bộ ảnh thu hoạch chè. Địa điểm anh Dưỡng lựa chọn là Tiểu khu mía đường – Đồi chè trái tim, cách trung tâm thị trấn khoảng 7km.
“Khác hẳn sự động đúc và tấp nập ở khu vực trung tâm huyện, nơi đây mang nét đẹp bình yên, nhẹ nhàng, lãng mạn. Tôi tới Mộc Châu rất nhiều lần nhưng đây là lần đầu tận mắt chiêm ngưỡng người dân hái chè nhộn nhịp tới vậy”, anh Dưỡng cho hay.
Những công nhân nông trại chè hay nông dân địa phương thường bắt đầu công việc từ 7h sáng. Đôi tay họ nhịp nhàng, nhanh thoăn thoắt. Trung bình mỗi kg chè họ sẽ nhận được 3.000 đồng tiền công. Người hái nhanh sẽ được 300.000 đồng/ngày.
Hai thời điểm phù hợp nhất để chụp đồi chè là giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 và giữa tháng 7 đến giữa tháng 8 hằng năm – khi búp non đâm chồi, đồi chè thay màu áo mới mơn mởn sức sống.
Anh Dưỡng dành 3 ngày rong ruổi theo chân những người công nhân hái chè để “săn” được nhiều khoảnh khắc ấn tượng khác nhau. Phần lớn trong đó là các góc máy trên cao để thấy đồi chè “khổng lồ”, rộng lớn, con người ẩn hiện, điểm xuyết.
Tới thăm đồi chè, du khách có thể mượn giỏ của nông dân chụp hình, tìm hiểu về cách hái chè của họ hoặc tham gia các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp.
Chè sau khi hái sẽ được cho vào giỏ, chuẩn bị đem đi làm sạch, sấy khô, đóng gói thành phẩm.
Du khách nên tới đồi chè vào lúc sáng sớm hoặc chiều hoàng hôn, thời điểm thời tiết mát mẻ, dễ chịu, khung cảnh nên thơ nhất.
Cao nguyên Mộc Châu là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu rất thích hợp cho cây chè phát triển. Hiện nay, huyện Mộc Châu có trên 2.100 ha chè, sản lượng búp tươi hàng năm đạt trên 25.000 tấn. Cùng đó, có trên 10 công ty, doanh nghiệp, nhà máy chế biến chè búp tươi, với công suất khoảng 300 tấn/ngày; giải quyết việc làm cho trên 3.000 hộ dân vùng nguyên liệu và khoảng 600 người lao động thường xuyên trong các công ty, doanh nghiệp.
Hiện Mộc Châu đã xây dựng quy hoạch bảo tồn các khu đồng cỏ, đồi chè để phục vụ du lịch.
Ảnh/Video: Hoàng Dưỡng