Timnhanh.com.vn xin giới thiệu bài viết của độc giả Nguyễn Đức Hùng chia sẻ hành trình thú vị khám phá thành phố tình yêu Venice.
Chúng tôi trở lại Venice sau 9 năm. Cảnh vật ở đây không thay đổi chút nào, những con ngõ nhỏ chằng chịt, những cây cầu cong cong bắc qua các dòng kênh xanh, những công trình kiến trúc đa dạng và sặc sỡ mang đậm hơi thở thời gian.
Sự thay đổi lớn nhất tôi nhận thấy là đường phố đông đúc hơn trước rất nhiều. Chúng tôi phải chen chân để đi từ bến tàu thủy về khách sạn gần đó. Mỗi năm thành phố của những kênh đào đón khoảng 20 triệu khách du lịch, một điều mà nhiều người dân địa phương không thích. Tôi sẽ giải thích vì sao ở phần sau của bài viết.
Sau khi làm thủ tục nhận phòng lúc 2h chiều, chúng tôi cất đồ và len lỏi qua các con phố nhỏ bán đồ lưu niệm chật cứng du khách để ra quảng trường San Macro (Thánh Mark), được ví như viên ngọc của Venice.
Điểm nhấn của quảng trường hay “Đại sảnh lễ hội đẹp nhất châu Âu” này, như Napoleon đã từng gọi, là nhà thờ Thánh Mark. Được xây dựng năm 1094, nhà thờ mang hình dáng cơ bản của nhà thờ các tông đồ tại Constantinopolis (Instanbul hiện nay), với các mái vòm hình tròn có khoảng vượt lớn. Kiến trúc Gothics được đưa vào trong thế kỷ 14.
Bên cạnh nhà thờ là Dinh tổng trấn, một trong những công trình biểu tượng của Venice. Dinh tổng trấn được xây dựng năm 1340 là nơi ở và làm việc của người lãnh đạo cao nhất của nước cộng hòa Venice. Hiện Dinh này đã trở thành viện bảo tàng.
Các dinh thự Procuratie bao bọc phía Bắc, Nam và Đông của quảng trường chính là các dãy nhà công sở hành chính của Venice trước đây. Hiện nay phần lớn chúng được dùng làm viện bảo tàng, trong đó tầng trệt dành cho các quán bán đồ lưu niệm, đồ ăn và quán cafe.
Hai quán cafe nổi tiếng Caffè Florian (1720) và Caffé Lavena (1750) nằm ngay trên quảng trường. Bạn dễ dàng nhận ra chúng vì người ta chơi và hát nhạc sống cả ngày. Đây là hai quán cafe lâu đời nhất nước Ý và lâu đời thứ 2 và 3 trên thế giới, sau quán cafe Procope ở Paris được thành lập năm 1686.
Điểm thăm quan kế tiếp của chúng tôi là cây cầu Rilato bắc qua Grand Canal (Dòng kênh lớn nhất được ví như ‘đường quốc lộ’ ở Venice, hiện có 4 cây cầu lớn bắc qua).
Cầu Rilato được xây dựng năm 1591 và trong gần 300 năm, nó là cây cầu duy nhất bắc qua Grand Canal. Đây là điểm để các cặp đôi chụp ảnh check in và ngắm các tòa nhà đa sắc mầu dọc hai bên dòng kênh rực rỡ dưới ánh hoàng hôn.
Tuy nhiên, cây cầu để ngắm hoàng hôn và chụp ảnh Venice đẹp và lãng mạn nhất lại là cầu Accademia. Cây cầu kết nối khu San Macro và Dorsoduro cho du khách một khung cảnh đẹp và nên thơ của Grand Canal, với hai dãy nhà và dinh thự dọc hai bên dòng kênh, phía xa là nhà thờ Santa Maria.
Cây cầu lúc đầu được xây dựng bằng sắt năm 1854 và sau đó được phá bỏ và thay bằng cây cầu gỗ năm 1933.
Có tất cả 4 cây cầu được bắc qua Grand Canal, dòng kênh được mệnh danh là đẹp và lãng mạn nhất thế giới. Hai bên bờ của Grand Canal ước tính có hơn 170 tòa nhà và dinh thự. Phần lớn những tòa nhà hai bên bờ sông đã được xây dựng trong khoảng từ thế kỷ 13-18 và cách người ta xây dựng các tòa nhà trên mặt nước này làm kinh ngạc bất kỳ ai đến thăm thành phố này. Phong cách xây dựng của những tòa nhà này có sự đa dạng của nhiều thời kỳ, từ phong cách Đức, Byzantine, Gothic, Phục Hưng, Baroque cho đến tân cổ điển và hiện đại.
Chúng tôi đi bộ qua cầu Accademia sang khám phá khu Dorsoduro, nơi có nhà thờ Santa Maria được xây dựng năm 1681. Đây là nhà thờ được du khách chụp nhiều nhất ở Venice sau nhà thờ Thánh Mark bởi nó nằm sát với Grand Canal và có thể ngắm từ nhiều hướng từ xa.
Theo lời khuyên của anh Ricardo – lễ tân khách sạn, chúng tôi dành nhiều thời gian khám phá và chụp ảnh ở khu vực phía bên kia của các cây cầu, nơi khách du lịch ít lui tới. Đi dạo ở đây bạn rất dễ bị lạc vì các ngõ nhỏ chằng chịt. Tuy nhiên, bị lạc ở Venice được coi là một điều may mắn vì nó giúp bạn khám phá ra những nơi mà ít du khách đặt chân tới. Trong trường hợp cần thiết, bạn cứ tìm đường ra Grand Canal, từ đó có thể dễ dàng đi đến nơi mình cần.
Đến Venice bạn nên trải nghiệm đi thuyền Gondola đen bóng và đẹp đẽ để thưởng thức vẻ đẹp của Venice cũng như tận hưởng cảm giác lênh đênh sông nước.
Giá vé cho 30 phút cho tối đa 5 người lướt bồng bềnh trên sóng nước, len lỏi trên các con kênh nhỏ quanh thành phố khoảng 80 euro. Người chèo thuyền luôn mặc quần đen, áo kẻ ngang, đi giày đen và họ rất vui tính, luôn biết kể cho bạn những câu chuyện thú vị về thành phố của những cây cầu và đôi khi họ còn hát hoặc đàn cho bạn nghe.
Năm nay du lịch Venice không có mùa thấp điểm do đây là năm đầu tiên sau dịch Covid-19, các hạn chế được dỡ bỏ hoàn toàn. “Nhiều người dân địa phương không thích có quá nhiều khách du lịch vì đi lại rất khó khăn do đường phố chật cứng du khách. Ngoài ra, các cửa hàng, siêu thị và quán ăn, quán cafe giờ đây cũng chủ yếu phục vụ khách du lịch, do đó dân địa phương phải trả chi phí cao hơn trước”, anh Andrea, người lái thuyền Gondola chia sẻ với chúng tôi.
Anh Andrea ‘mách’ du khách nên đi tàu sang thăm các đảo xung quanh Venice như đảo Burano và Murano nếu có thời gian. Còn không, hãy cứ lang thang và lạc lối ở các con phố và ngõ nhỏ, nơi là niềm cảm hứng cho biết bao nhiêu nghệ sỹ, nhà văn nhà thơ hàng ngàn năm qua.
Muốn trải nghiệm một Venice bình yên và tĩnh lặng, bạn chỉ cần ra đường trước 7h sáng. Lúc này những điểm du lịch chính nơi ban ngày đông kín khách du lịch là của riêng bạn. Hãy đến Venice một lần và bạn sẽ hiểu vì sao thành phố này nổi tiếng và ai đến cũng muốn quay lại.
Theo khảo sát do Venice tiến hành năm 2017, có tới 94% du khách đến đây mong muốn được quay lại. Và tôi cũng không ngoại lệ, tôi cũng hẹn một ngày sẽ trở lại thành phố tình yêu xinh đẹp và lãng mạn này.
Đi đến Venice
Đến Venice bằng tàu hỏa hoặc máy bay là tiện nhất. Sân bay Macro Polo nằm cách Venice khoảng 9km và Treviso khoảng 30km. Cả hai sân bay nằm trong đất liền chứ không phải trên đảo. Từ sân bay Macro Polo có thể đi water taxi (taxi đường thủy) hoặc water bus (buýt đường thủy) về trung tâm hoặc khách sạn trên đảo. Từ Treviso bạn đi xe bus đến Piazzale Roma (bến xe buýt trên đảo), rồi từ đó đi water bus hoặc water taxi đên Venice.
Nếu đi tàu, bạn phải chọn ga tầu Venezia Sant Lucia nằm trên đảo. Từ đây bạn có thể đi bộ hoặc đi water bus về trung tâm của Venice.
‘Ăn uống ngủ nghỉ’ ở Venice
Bạn có thể thuê khách sạn ở trong đất liền và đi tàu vào thăm thành phố. Nếu thuê khách sạn ở trên đảo, bạn nên thuê ở gần các bến tàu chính vì đây là thành phố không có ô tô hay xe máy nên bạn phải tự kéo hành lý về khách sạn. Ngay cả người dân thành phố cũng phải để ô tô ở bãi xe bên ngoài và đi tàu hoặc đi bộ về nhà.
Venice nổi tiếng bởi các món hải sản tươi ngon. Bạn có thể chọn bất kỳ một hàng quán nào để vào ăn và chất lượng đồ ăn giữa các quán không khác nhau là mấy. Cầu kỳ hơn, bạn chọn các quán ăn nhỏ ở xa các điểm du lịch chính, đây là nơi người dân địa phương thường tới ăn và giá cả cũng phải chăng hơn.
Thời gian tốt nhất thăm Venice
Từ tháng 3 đến tháng 5 khi thời tiết mát mẻ và du khách không quá đông. Từ tháng 10 đến tháng 12, Venice hay bị triều cường và một số khu vực bị ngập nước.
Nguyễn Đức Hùng