Kỹ năng giao tiếp, ứng xử
Kỹ năng này vô cùng quan trọng giúp con có thể giao tiếp và trao đổi thông tin với nhiều đối tượng khác nhau. Cha mẹ nên dạy con sử dụng ngôn từ một cách khéo léo, phù hợp với từng ngữ cảnh.
Trẻ cần biết cách tôn trọng người lớn, sử dụng kính ngữ khi giao tiếp. Đối với bạn bè bé cần sự hòa đồng, thân thiện. Hay cách cư xử khi gặp người lạ bé cần ứng xử như thế nào.
Cha mẹ nên dạy cho bé cách tôn trọng và đối xử với mọi người một cách chân thành. Luôn lắng nghe hết ý kiến của người khác, không được cắt ngang lời họ dù không cùng quan điểm, hãy chờ người khác nói xong rồi hãy đưa ra ý kiến của mình. Nói chuyện với ngữ điệu vừa phải và biểu đạt qua ánh mắt, cử chỉ để người khác hiểu mình hơn. Dạy con luôn nhìn vào mắt khi nói chuyện với người đối diện và bày tỏ cảm xúc để người nghe cảm thấy thoải mái.
Con cũng cần học được cách thuyết trình trước đám đông và bày tỏ ý kiến của mình qua các buổi tranh luận hay hùng biện. Hãy cho bé tham gia các buổi học ngoại khóa, các buổi dã ngoại ngoài trời hay chỉ đơn giản là cho con chơi cùng với các bạn hàng xóm. Điều này sẽ giúp con gặp nhiều tình huống giao tiếp khác nhau, con biết cách phối hợp cùng mọi người và biết cách sẻ chia, giúp đỡ người khác.
Phụ huynh cũng đừng quên dạy cho con biết cách xin lỗi và cảm ơn người khác. Con cần biết thể hiện lòng biết ơn khi được giúp đỡ và dũng cảm nhận lỗi sai khi mình mắc lỗi để được tha thứ. Các kỹ năng giao tiếp này sẽ luôn đồng hành cùng con trong suốt chặng đường dài, giúp con trưởng thành, tự tin và sống tốt hơn.
Kỹ năng tự lập
Không phải khi nào cha mẹ cũng có thể ở bên cạnh con, dạy cho con các kỹ năng tự lập ở độ tuổi lên 10 vô cùng thích hợp. Khi này con có thể tự chăm sóc cho bản thân mình và đưa ra các quyết định khi cần thiết.
Khi gặp bất kỳ vấn đề nào, trước hết ba mẹ hãy để cho con tự đưa ra sự quyết định và tôn trọng điều đấy. Việc tự đưa ra quyết định của mình sẽ giúp con tự tin và cảm thấy có trách nhiệm hơn. Cha mẹ cũng nên đưa ra lời khuyên cho con để con có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất bởi bản thân con cũng chưa có thể nhận thức đúng mọi chuyện.
Kỹ năng này rất tốt khi con lớn lên, không cần phụ thuộc quá nhiều vào người khác, tự tin vào bản thân, có chính kiến riêng và giúp con có thể tự định hướng lại cuộc đời cho mình.
Kỹ năng tự nấu ăn
Dạy con nấu ăn để con có thể tự chuẩn bị đồ ăn cho riêng mình và hơn nữa bé có thể nấu ăn cho cả nhà khi cha mẹ bận việc. Hãy dạy con cách cầm dao, sử dụng các dụng cụ nhà bếp, hướng dẫn con cách nấu ăn an toàn. Bắt đầu bằng việc dạy con dùng dao kéo cắt một số loại rau củ, dạy con các món ăn đơn giản như trứng rán, rau luộc, rang thịt. Dần dần bé có thể học cách chế biến các món ăn cầu kỳ, phức tạp hơn.
Biết cách nấu ăn giúp con có khả năng tự phục vụ mình, không phụ thuộc vào người khác, có thể nấu được các món ăn mình yêu thích. Ngoài ra còn dạy cho con sự khéo léo, tỉ mỉ và để con biết trân trọng đồ ăn hơn. Nhiều trẻ có thể phát huy được tài năng nấu nướng của mình, có thể định hướng các công việc liên quan đến chế biến thực phẩm cũng rất tốt.
Kỹ năng tự giặt đồ
Cha mẹ cần dạy thêm kỹ năng nào cho con? Trẻ 10 tuổi đã có thể tự giặt đồ cho mình mà không cần nhờ đến cha mẹ. Việc dạy con giặt đồ giúp con nhận thức rằng mình cần giữ sạch sẽ, hạn chế để quần áo bám bụi bẩn và có thể tự lo liệu bản thân khi cần thiết.
Hãy dạy con cách phân loại giữa quần áo trắng và quần áo màu để tránh loang màu. Loại nào có thể giặt bằng máy, loại quần áo nào nên giặt bằng tay. Hướng dẫn con cách sử dụng máy giặt, xà phòng, nước xả và các dụng cụ hỗ trợ như bàn chải sao cho hợp lý. Lưu ý khi dạy con sử dụng máy giặt nhớ hướng dẫn an toàn điện cho con, tránh nguy cơ bị nhiễm điện hay điện giật nhé.
Kỹ năng dọn dẹp nhà cửa
Tạo cho con nếp sống ngăn nắp, gọn gàng bằng cách dạy cho con kỹ năng dọn dẹp nhà cửa. Trước hết hãy bắt đầu từ phòng của con, dạy con gấp chăn màn khi ngủ dậy, dọn bàn học, lau chùi sạch sẽ và dọn sạch sàn nhà.
Sau đó cha mẹ có thể hướng dẫn con dọn dẹp phòng khách, phòng bếp, sân vườn, nhà vệ sinh bằng cách quét dọn, lau chùi sạch sẽ. Có thể hướng dẫn con sử dụng các chất tẩy rửa không độc hại, dạy bé đeo găng tay để đảm bảo an toàn.
Cuối tuần cha mẹ có thể cùng con tổng vệ sinh nhà cửa, vừa giúp mọi người gắn kết, vừa giúp con có nếp sống sạch sẽ, văn mình.
Kỹ năng sơ cứu vết thương
Đây là một kỹ năng vô cùng cần thiết cần dạy cho trẻ ở tuổi lên 10. Khi con chẳng may bị thương nhẹ, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng, luống cuống, hãy chỉ cho con cách xử lý vết thương, cách cầm máu, vệ sinh và băng bó vết thương để tránh nhiễm trùng. Kỹ năng này vô cùng quan trọng bởi ở độ tuổi hiếu động, các con rất dễ bị xây xát, ngoài tự chăm sóc bản thân, con có thể giúp đỡ người khác khi có thể.
Hãy dạy con cách lau vết thương như thế nào, làm sạch và băng bó ra sao, hướng dẫn con cách sử dụng các dung dịch sát khuẩn và phân loại chúng để con nắm rõ. Cha mẹ có thể tạo các tình huống giả và hướng dẫn con thực hành, giúp con ghi nhớ và thành thạo, không bị lúng túng nếu chẳng may bị thương và hạn chế được các nguy cơ nhiễm trùng.
Xem thêm: Bí kíp dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép cha mẹ nên biết
Kỹ năng tự đi mua sắm
Ở độ tuổi này cha mẹ có thể cho con tự đi mua sắm ở các cửa hàng hay siêu thị. Việc làm này giúp con chủ động hơn, tự tin hơn khi ra ngoài đồng thời cũng dạy con cách quản lý chi tiêu khá tốt.
Cha mẹ có thể ghi chú những thứ cần mua và để con tự đi mua, dạy con cách lựa chọn món hàng và so sánh giá của chúng ở các cửa hàng khác nhau, xem nơi nào có giá hợp lý nhất. Hơn nữa có thể cho bé một khoản tiền để bé tự chi tiêu cho bản thân, cho bé trải nghiệm thực tế để bé hiểu mình cần kiểm soát việc mua sắm như thế nào, chỉ nên mua những gì thực sự cần thiết chứ không tiêu tiền một cách vô tội vạ.
Kỹ năng xác định phương hướng
Dạy con kỹ năng này để phòng bị khi trẻ đi lạc. Con biết cách xác định phương hướng có thể tìm được đường về nhà hoặc tìm đến nơi an toàn. Cha mẹ nên dạy cho con cách nhìn phương hướng theo mặt trời, xem la bàn, hay dùng bản đồ.
Có thể tạo các tình huống bằng cách giả lập các trò chơi thám hiểm để cho bé có thể vui vẻ học theo: Dạy trẻ đóng vai là một nhà thám hiểm đi lạc và dùng bản đồ để tìm cách đi về nơi mình muốn. Trò chơi này vừa giúp con học cách sử dụng bản đồ, la bàn, còn giúp kích thích trí thông minh và sự tư duy suy luận của trẻ nhỏ.
Cha mẹ có thể cho con đi cùng khi ra ngoài và chỉ cho con đây là đoạn đường nào, hướng đi như thế nào và cách đi về nhà mình như thế nào để con ghi nhớ.
Kỹ năng bơi lội
Một kỹ năng đảm bảo an toàn cho bé khi hoạt động và vui chơi ở các khu vực sông nước, bể bơi. Không chỉ trẻ con sống ở khu vực có nhiều sông hồ mà trẻ con ở bất kỳ đâu cũng cần học kỹ năng này. Trẻ con hiếu động và chưa có kinh nghiệm sẽ rất dễ xảy ra tai nạn ở dưới nước.
Hãy cho con tham gia các khóa bơi mùa hè để con biết cách bơi, phòng vệ tự cứu bản thân nếu không may rơi xuống nước hoặc thậm chí là cứu người. Luôn dặn trẻ sử dụng áo phao nơi sông nước và dạy con cách cấp cứu hà hơi thổi ngạt hay ép tim nếu như gặp người bị đuối nước.
Kỹ năng viết thư
Ngày nay việc tiếp xúc với quá nhiều thiết bị công nghệ hiện đại như điện thoại, máy tính, máy tính bảng khiến nhiều trẻ không biết cách gửi thư.
Cha mẹ có thể dạy con cách viết thư như thế nào để con có thể học theo: Ngày, tháng, năm viết thư, Thư gửi ai?, Nội dung nên trình bày như thế nào?, Ký tên ra sao?. Sau đó hãy hướng dẫn con gấp thư cho vào phong bì, dán tem và mang đi gửi.
Có nhiều chuyện con không thể nói trực tiếp bằng lời với bố mẹ hay người thân, cha mẹ có thể dạy con viết thư tay để bày tỏ cảm xúc, tâm sự để mọi người hiểu nhau hơn. Đây cũng là cách giúp con có thể chia sẻ được cảm xúc và bày tỏ mong muốn với mọi người, khiến con không còn khoảng cách, cởi mở hơn.
Kỹ năng đọc sách, nghiên cứu tài liệu
Kiến thức là vô tận, vì thế cha mẹ nên dạy con đọc sách báo, tài liệu nhiều hơn. Có thể dẫn con đi các nhà sách hay thư viện, lựa chọn các chủ đề phù hợp và hướng dẫn con tìm hiểu, phân loại các đầu sách phù hợp với con.
Dựa theo sở thích của con có thể chỉ cho con các loại sách nghiên cứu khoa học, động vật, các loại truyện ngụ ngôn, cổ tích hay sách hướng dẫn cách làm các loại đồ chơi thủ công. Đọc nhiều sách giúp con mở mang kiến thức, gợi mở trí tò mò, tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo.
Hãy dành thời gian để đọc sách cùng con, hay giúp con giải đáp những vấn đề mà con chưa hiểu, ý nghĩa, thông điệp từ câu chuyện con vừa đọc để con có cái nhìn sâu sắc hơn.
Dạy cho con thói quen đọc sách cũng giúp con trở thành người kiên nhẫn, tỉ mỉ, giàu tri thức, có khả năng đọc hiểu tốt và tư duy phản biện hay hơn nhờ những kiến thức mà con đã được đọc.
Kỹ năng gói quà
Dạy con cách gói quà cũng là cách giúp con vui vẻ và học được thêm một kỹ năng cực tốt. Trẻ nhỏ rất thích được nhận quà và tặng quà cho người khác. Hãy dạy con cách lựa giấy gói quà, nên gói như thế nào cho đẹp, phù hợp với người người được tặng
Con có thể gói quà tặng bạn bè, ông bà, cha mẹ, anh chị em trong nhà vừa bày tỏ cảm xúc tốt đẹp vừa thể hiện sự chân thành của mình. Những đứa trẻ này lớn lên sẽ là một người tỉ mỉ, khéo léo, biết quan tâm đến người khác và vô cùng tốt bụng.
Dạy kỹ năng sống cho trẻ 10 tuổi rất cần sự quan tâm, chăm sóc từ bố mẹ. Hãy dành nhiều thời gian bên con, kiên nhẫn chỉ dạy, tôn trọng quyết định của con nhưng cũng cần sự nghiêm khắc và dành lời khen đúng lúc. Hãy chính là tấm gương cho con học hỏi và đặt ra những quy định, nề nếp để bé hình thành thói quen tốt về sau.
Nguồn: Tổng hợp Internet